Bảo đảm sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ cán bộ theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng
Bảo đảm sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ cán bộ được Đảng ta xác định là một nội dung rất quan trọng của mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ trong Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) đất nước. Tại Đại hội lần thứ XIII, Đảng ta tiếp tục xác định đây là một trong những nhiệm vụ và giải pháp rất quan trọng của công tác công tác xây dựng Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp. Vì vậy, việc làm sáng tỏ những vấn đề lý luận, thực tiễn và đề xuất các giải pháp bảo đảm sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ cán bộ theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng là rất cần thiết, góp phần thiết thực vào việc quán triệt và thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Bảo đảm sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ cán bộ là vấn đề có tính quy luật trong quá trình lãnh đạo cách mạng của Đảng ta
Để Đảng lãnh đạo cách mạng giành thắng lợi, vấn đề đặc biệt quan trọng là phải có đội ngũ cán bộ ổn định để kế thừa, chuyển tiếp qua các thời kỳ, các phong trào cách mạng của nhân dân. V.I. Lênin đã viết: “Tôi khẳng định rằng, không một phong trào cách mạng nào mà lại vững chắc được nếu không có một tổ chức ổn định và duy trì được tính liên tục gồm những người lãnh đạo”(1).
Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn coi trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ có phẩm chất và năng lực đáp ứng yêu cầu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ và mục tiêu của từng thời kỳ cách mạng. Khi cách mạng gặp nhiều khó khăn, thách thức quyết liệt và khi chuyển sang giai đoạn mới với nhiệm vụ mới mẻ, to lớn, năng nề, đội ngũ cán bộ kế tục luôn hoàn thành xuất sắc những phẩm chất, năng lực tốt đẹp của các thế hệ cán bộ tiền nhiệm đưa cách mạng vượt qua khó khăn, thách thức đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Trong thời kỳ Đảng lãnh đạo giành chính quyền (với khoảng 5.000 đảng viên), mỗi đảng viên được Đảng giáo dục, rèn luyện và kế thừa phẩm chất, năng lực của “những hạt giống đỏ”, những thanh niên ưu tú được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trực tiếp huấn luyện tại Quảng Châu, Trung Quốc để chuẩn bị thành lập Đảng. Đó thực sự là những cán bộ, chiến sĩ tiên phong cùng Đảng và nhân dân giành thắng lợi to lớn trong Cách mạng tháng Tám năm 1945, lập nên Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á, Đảng Cộng sản Việt Nam trở thành Đảng cầm quyền, Nhân dân Việt Nam từ kiếp nô lệ thành người chủ đất nước.
Tiếp đến, đội ngũ cán bộ của Đảng ta liên tục phát triển vững mạnh, là nhân tố quyết định giành thắng lợi to lớn trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược. Trong Di chúc thiêng liêng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: đối với đoàn viên và thanh niên: “Đảng phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa hồng, vừa chuyên. “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là việc rất quan trọng và rất cần thiết”(2). Thực hiện Di huấn của Người, Đảng ta luôn coi trọng và đặt lên hàng đầu việc bảo đảm sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ cán bộ. Nhờ đó, chúng ta đã giành thắng lợi to lớn trong cuộc kháng chiến cứu nước, hoàn thành cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân trong cả nước; đất nước thống nhất, đi lên chủ nghĩa xã hội; tiếp tục giành thắng lợi trong khắc phục hậu quả chiến tranh, phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc.
Trong thời kỳ đổi mới, đội ngũ cán bộ đã kế thừa sáng tạo những đức tính tốt đẹp của các thế hệ cán bộ tiền nhiệm, cùng Đảng đưa đất nước vượt qua khó khăn, thách thức chưa từng có, giành thắng lợi to lớn và có ý nghĩa lịch sử, tạo thế và lực để công cuộc đổi mới đạt thành tựu ngày càng to lớn hơn.
Thực tiễn đã chứng minh, cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng luôn luôn vận động, phát triển không ngừng, nhất là công cuộc đổi mới hiện nay, đặt ra mục tiêu mới và nhiệm vụ mới, to lớn, nặng nề hơn, đòi hỏi đội ngũ cán bộ phải luôn phát triển, có phẩm chất và năng lực mới cao hơn. Điều này, chỉ có thể đạt được trên cơ sở kế thừa, phát huy những phẩm chất, năng lực tốt đẹp của các thế hệ cán bộ tiền nhiệm và bổ sung những phẩm chất, năng lực mới. Vấn đề quan trọng hàng đầu là Đảng phải xác định và thực hiện hiệu quả các chủ trương, giải pháp bảo đảm sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ cán bộ. Chỉ như thế, đội ngũ cán bộ mới đáp ứng được yêu cầu và thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ của cách mạng trong các thời kỳ, đất nước mới liên tục phát triển bền vững. Đây là vấn đề có tính quy luật trong công tác cán bộ của Đảng.
Nội dung bảo đảm sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ cán bộ
Bảo đảm sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ cán bộ là toàn bộ hoạt động của Đảng, trước hết và thường xuyên là Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các cấp ủy, tổ chức đảng với sự tham gia của đội ngũ cán bộ, đảng viên, các tổ chức trong hệ thống chính trị (HTCT) và Nhân dân thực hiện các khâu của công tác cán bộ và việc tự học tập, tự rèn luyện của từng cán bộ để kế thừa những ưu điểm, thế mạnh của thế hệ cán bộ tiền nhiệm, phát triển một cách vững chắc, đáp ứng tốt chức trách, nhiệm vụ được giao.
Chủ thể bảo đảm sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ cán bộ là toàn Đảng, trước hết và thường xuyên là Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các cấp ủy, tổ chức đảng các cấp. Lực lượng tham gia là đội ngũ cán bộ, đảng viên, các tổ chức trong hệ thống chính trị và Nhân dân. Đối tượng của việc bảo đảm sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ cán bộ là toàn thể đội ngũ cán bộ và những công chức là nguồn bổ sung cho đội ngũ cán bộ. Nội dung sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ cán bộ, gồm hai phương diện chính: sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ cán bộ về số lượng, cơ cấu và sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng về chất lượng. Cụ thể:
Một là, về số lượng và cơ cấu.
Trên cơ sở số lượng phù hợp đội ngũ cán bộ của các nhiệm kỳ trước và yêu cầu nhiệm vụ cách mạng để đề xuất và thực hiện các giải pháp bảo đảm số lượng cán bộ phù hợp để duy trì tốt hoạt động của Đảng trên các lĩnh vực, ngành, cơ quan, đơn vị trong cả nước; hạn chế và đi tới loại bỏ tình trạng cán bộ lãnh đạo, quản lý phải kiêm nhiệm nhiều chức vụ.
Cơ cấu đội ngũ cán bộ gồm: cơ cấu độ tuổi, cơ cấu giới tính, cơ cấu dân tộc, cơ cấu chuyên môn đào tạo và lĩnh vực công tác cán bộ đã kinh qua... Cơ cấu độ tuổi là quan trọng hàng đầu, thể hiện rõ nhất sự chuyển tiếp liên tục có sự kế thừa trong đội ngũ cán bộ. Bảo đảm tốt cơ cấu này sẽ tránh được sự hụt hẫng trong đội ngũ cán bộ. Thực tế cho thấy, bảo đảm tốt cơ cấu độ tuổi trong đội ngũ cán bộ, tức là đội ngũ cán bộ phải đảm bảo cơ cấu tối ưu: khoảng 30% cán bộ có tuổi đời thấp (ở Trung ương: dưới 45 tuổi; cấp tỉnh: dưới 40; cấp huyện: dưới 35). Đây là những cán bộ có triển vọng phát triển tốt, đang trong quá trình tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng và là sức mạnh của đội ngũ cán bộ trong 5-10 năm tới. Khoảng 40% cán bộ có tuổi đời trung bình (ở Trung ương 45-60 tuổi; cấp tỉnh: 40-55; cấp huyện: 35-45). Khoảng 30% cán bộ có tuổi đời cao (ở Trung ương: trên 60 tuổi; cấp tỉnh: trên 55; cấp huyện: 46-60). Cơ cấu giới tính, bảo đảm sự chuyển tiếp tỷ lệ cán bộ là nữ hợp lý và ngày càng tăng, bảo đảm khoảng 30% cán bộ là nữ. Cơ cấu dân tộc, bảo đảm sự chuyển tiếp tỷ lệ cán bộ là người dân tộc thiểu số một cách thích hợp, nhất là ở những địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Cơ cấu chuyên môn đào tạo và lĩnh vực công tác đã kinh qua, bảo đảm sự chuyển tiếp liên tục trong đội ngũ cán bộ về các ngành nghề chuyên môn được đào tạo và các lĩnh vực công tác, vùng miền, địa phương.
Hai là, bảo đảm về chất lượng.
Bảo đảm sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng về trình độ mọi mặt, gồm: trình độ văn hóa, lý luận chính trị, quản lý nhà nước, chuyên môn, nghiệp vụ; các tri thức cần thiết khác phục vụ công việc như: khoa học xã hội - nhân văn, khoa học lãnh đạo, quản lý, khoa học tự nhiên, ngoại ngữ, tin học... để cán bộ đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ được giao.
Bảo đảm về phẩm chất chính trị, trung thành tuyệt đối với chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, con đường đi lên CNXH, đường lối, quan điểm của Đảng; vững vàng, bình tĩnh, sáng suốt xử lý tốt mọi tình huống chính trị xuất hiện trên địa bàn, lĩnh vực công tác; đấu tranh kiên quyết, không khoan nhượng với những quan điểm sai trái, phản động của các thế lực thù địch...
Đội ngũ cán bộ phải có phẩm chất đạo đức trong sáng, mẫu mực; lối sống trong sạch, lành mạnh; kế thừa những phẩm chất đạo đức, lối sống tốt đẹp, lành mạnh của các thế hệ cán bộ tiền nhiệm; thực sự là những tấm gương về đạo đức, lối sống cho đảng viên và Nhân dân noi theo.
Các thế hệ cán bộ có năng lực công tác tốt, nhất là năng lực tổ chức thực tiễn, thể hiện ở kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao ngày càng cao hơn... Đồng thời, có ý thức tổ chức kỷ luật, phong cách làm việc khoa học sâu sát thực tiễn, gần dân, tôn trọng và lắng nghe ý kiến của Nhân dân, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung; chấp hành nghiêm kỷ luật của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy chế, quy định của cơ quan, đơn vị.
Phương thức bảo đảm sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ cán bộ
Thứ nhất, cụ thể hóa tiêu chuẩn chung, tiêu chuẩn chức danh cán bộ và xác định cơ cấu đội ngũ cán bộ. Đây là phương thức quan trọng hàng đầu, là cơ sở để tiến hành các khâu khác của công tác cán bộ, bảo đảm sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ cán bộ về số lượng, cơ cấu và chất lượng.
Thứ hai, tạo nguồn và quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp phải được xây dựng một cách khoa học; có tầm nhìn chiến lược, gồm quy hoạch cho nhiệm kỳ trước mắt và ít nhất cho nhiệm kỳ tiếp theo; thể hiện rõ về cơ cấu, chất lượng tổng thể đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý; có sự kế thừa liên tục trong đội ngũ cán bộ.
Thứ ba, đào tạo, bồi dưỡng và luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý. Công việc này phải được tiến hành một cách bài bản, phải được đổi mới, nâng cao chất lượng, nhất là về nội dung, chương trình, phương thức tiến hành. Những cán bộ nguồn, cán bộ trong quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý và những cán bộ đương chức phải được đào tạo một cách cơ bản, hệ thống và thường xuyên được bồi dưỡng cập nhật những kiến thức mới, cần thiết theo yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ cách mạng. Đồng thời, tăng cường luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý trong quy hoạch để tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng trong thực tiễn, tạo nên sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng cán bộ về năng lực tổ chức thực tiễn, phong cách làm việc và ý thức tổ chức kỷ luật…
Thứ tư, quản lý, kiểm tra, giám sát, đánh giá, khen thưởng, kỷ luật cán bộ. Thực hiện tốt việc quản lý, kiểm tra, giám sát, đánh giá, khen thưởng, kỷ luật cán bộ sẽ phát hiện những ưu điểm, tiến bộ để phát huy và những khuyết điểm, hạn chế để khắc phục; có giải pháp động viên, khen thưởng những cán bộ tốt; cổ vũ, động viên đội ngũ cán bộ vươn lên; xử lý kịp thời những cán bộ vi phạm...
Thứ năm, bố trí, sử dụng và thực hiện chính sách cán bộ. Thực hiện tốt việc bố trí, sử dụng và thực hiện chính sách cán bộ sẽ tạo thời cơ và điều kiện thuận lợi để cán bộ phát huy năng lực, trình độ trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, cổ vũ, động viên cán bộ sáng tạo, vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Thứ sáu, việc tự học, tự rèn của cán bộ. Việc tự học, tự rèn của cán bộ theo gương các thế hệ cán bộ tiền nhiệm và vươn lên đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao, có vai trò to lớn đối với sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng trong đội ngũ cán bộ. Qua hoạt động này, từng cán bộ thực hiện tốt quá trình tự chuyển tiếp liên tục, vững vàng và góp phần bảo đảm sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ cán bộ.
Thứ bảy, sự tham gia tích cực của các tổ chức trong HTCT, các tổ chức có liên quan và Nhân dân. Các cấp ủy, tổ chức đảng cần coi trọng và tạo thuận lợi để các tổ chức trong HTCT, các tổ chức có liên quan và Nhân dân tham gia hiệu quả, góp phần bảo đảm sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ cán bộ.
Giải pháp bảo đảm sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ cán bộ theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng
Nghị quyết Đại hội XIII đã khẳng định: “Nhìn lại 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, lý luận về đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam ngày càng hoàn thiện và từng bước được hiện thực hoá. Đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện so với những năm trước đổi mới. Quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên. Đời sống nhân dân cả về vật chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”(3).
Đảng cũng chỉ rõ: “…sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam”(4). Trong đó, đội ngũ cán bộ có vai trò đặc biệt quan trọng; “…về tổng thể đội ngũ cán bộ đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới”(5). Một trong những yếu tố rất quan trọng là đội ngũ cán bộ đã kế thừa, phát triển có hiệu quả những phẩm chất, năng lực ưu việt của các thế hệ cán bộ đi trước trong thời kỳ đổi mới từ năm 1986 đến nay. Điều này thể hiện rõ sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ cán bộ trong thời kỳ đổi mới những nhiệm kỳ trước và trong đội ngũ cán bộ hiện nay.
Tuy nhiên, đội ngũ cán bộ hiện nay vẫn còn những khuyết điểm, hạn chế, yếu kém ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả của việc bảo đảm sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ cán bộ. Cụ thể là: “Năng lực của đội ngũ cán bộ chưa đồng đều; nhiều cán bộ thiếu tính chuyên nghiệp. Tỷ lệ cán bộ lãnh đạo và cấp ủy viên trẻ tuổi vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra”; “Nhiệm kỳ 2020-2025 tỷ lệ cấp ủy viên cấp tỉnh trẻ (dưới 40 tuổi) là 5,95%; … cấp huyện trẻ (dưới 40 tuổi) là 14.43%...”(6). Đảng ta cũng chỉ rõ: “tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong một số cơ quan, đơn vị khu vực hành chính, dịch vụ công chưa được đẩy lùi. Tham nhũng, lãng phí trên một số lĩnh vực, địa bàn vẫn còn nghiêm trọng, phức tạp, với những biểu hiện ngày càng tinh vi, gây bức xúc trong xã hội. Tham nhũng vẫn là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ ta”(7).
Để phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm, hạn chế, yếu kém bảo đảm sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ cán bộ trong những năm tới, cần thực hiện tốt các giải pháp sau:
Một là, thống nhất và nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, cán bộ, đảng viên về bảo đảm sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ cán bộ nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu: “phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”(8). Trong đó, coi trọng quán triệt sâu sắc và thực hiện tốt tư tưởng Hồ Chí Minh về "bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau".
Hai là, tiếp tục cụ thể hóa tiêu chuẩn chức danh cán bộ; tạo bước chuyển mạnh mẽ về cơ cấu đội ngũ cán bộ trên cơ sở kế thừa, phát triển những ưu việt trong cơ cấu đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của những nhiệm kỳ trước đây.
Ba là, nâng cao chất lượng xây dựng và thực hiện quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý nhằm phát hiện sớm nguồn cán bộ trẻ có đức, có tài, có triển vọng về khả năng lãnh đạo, quản lý đưa vào quy hoạch để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn các chức danh lãnh đạo, quản lý, đáp ứng nhiệm vụ chính trị trước mắt và lâu dài của từng địa phương, cơ quan, đơn vị và của đất nước; thực hiện đúng Hướng dẫn số 15-HD/BTCTW ngày 05/11/2012 của Ban Tổ chức Trung ương Đảng về công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý.
Bốn là, đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, quản lý, đánh giá, kiểm tra, giám sát, bổ nhiệm cán bộ, tạo nên sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng trong đội ngũ cán bộ; coi trọng đào tạo, bồi dưỡng trong nhà trường và trong thực tiễn qua luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý để rèn luyện, nâng cao năng lực tổ chức thực tiễn và kế thừa phẩm chất, năng lực và kinh nghiệm của những cán bộ chủ chốt đương chức ở nơi cán bộ luân chuyển đến.
Năm là, phát huy vai trò tự học tập, tự rèn luyện của từng cán bộ, thực hiện việc tự chuyển tiếp liên tục vững vàng của từng cán bộ; cấp ủy tạo thuận lợi để từng cán bộ thực hiện đạt kết quả việc tự chuyển tiếp liên tục vững vàng; tăng cường kiểm tra, giám sát việc tự học tập, tự rèn luyện để từng cán bộ góp phần bảo đảm sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng trong đội ngũ cán bộ.
Sáu là, phát huy vai trò các tổ chức trong HTCT và Nhân dân, đồng thời các cấp ủy cần hướng dẫn và tạo thuận lợi cho các tổ chức trong HTCT và Nhân dân tham gia đạt kết quả vào việc bảo đảm sự chuyển tiếp liên tục vững vàng trong đội ngũ cán bộ./.
------------------
Ghi chú:
(1) V.I.Lênin, Toàn tập, tập 6, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva 1975, tr.158.
(2) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 12, Nxb CTQG, H. 2002, tr.510.
(3), (4), (5), (7), (8) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb CTQG - ST, H. 2021, tr.103-104, tr.104; tr.191; tr.93; tr.112.
(6) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 2, Nxb CTQG - ST, H. 2021, tr.196.
PGS.TS Đinh Ngọc Giang, Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh