Những điểm mới trong quy định của Đảng về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm
Ngày 06-7-2022, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 69-QĐ/TW về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm, thay thế Quy định số 07-QĐi/TW ngày 28-8-2018 và Quy định số 102-QĐ/TW ngày 15-11-2017 - Ảnh : internet
Sau Đại hội XIII của Đảng, để đưa các nội dung của Nghị quyết Đại hội vào cuộc sống, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành các quy định thi hành Điều lệ Đảng. Tiếp nối tinh thần đó, ngày 06-7-2022, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 69-QĐ/TW về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm (sau đây gọi là Quy định 69) thay thế Quy định số 07-QĐi/TW ngày 28-8-2018 của Bộ Chính trị khóa XII (sau đây gọi là Quy định 07) về xử lý kỷ luật tổ chức đảng vi phạm và Quy định số 102-QĐ/TW ngày 15-11-2017 của Bộ Chính trị khóa XII (sau đây gọi là Quy định 102) về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm. Đây là quy định rất kịp thời, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, khắc phục những vướng mắc, bất cập trong xử lý vi phạm do các quy định cụ thể hóa Điều lệ Đảng chưa thật sự đồng bộ và thống nhất, chưa dự liệu hết những tình huống có thể xảy ra trong thực tế.
So với Quy định 07 và Quy định 102, Quy định 69 có những điểm mới nổi bật sau:
1. Về phạm vi, kết cấu. Quy định 69 đã hợp nhất nội dung của Quy định 07và Quy định 102. Như vậy, khi xử lý kỷ luật tổ chức đảng hoặc cá nhân đảng viên có vi phạm đến mức phải kỷ luật, các tổ chức đảng có thẩm quyền chỉ sử dụng Quy định 69, chứ không áp dụng theo hai quy định như trước đây.
Quy định 69 được kết cấu thành 04 chương, 58 điều và thứ tự, nội dung các chương, điều cũng có sự thay đổi và sắp xếp lại theo hướng kế thừa, biên tập lại và bổ sung các quy định đã có của Quy định 07 và Quy định 102.
Ngoài ra, Quy định 69 đã đồng bộ hóa, cụ thể hóa các quy định khác của Đảng, như: Quy định số 22-QĐ/TW ngày 28-7-2021 về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng, Quy định số 37-QĐ/TW ngày 25-10-2021về những điều đảng viên không được làm, Quy định số 205-QĐ/TWngày 23-9-2019 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền và Kết luận số 14-KL/TW ngày 22-9-2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung.
2. Mở rộng đối tượng áp dụng: Đối với đảng viên, theo Quy định 102, đối tượng áp dụng bao gồm “đảng viên sau khi chuyển công tác, nghỉ việc hoặc nghỉ hưu”, Quy định 69 mở rộng cả “gồm cả đảng viên bị tuyên bố mất tích, đảng viên đã qua đời nhưng có vi phạm đặc biệt nghiêm trọng”. Đối với tổ chức đảng, theo Quy định 07, đối tượng áp dụng chưa nêu các tổ chức đảng đã có sự thay đổi về tổ chức, hoạt động, Quy định 69 đã mở rộng đối tượng áp dụng, gồm: “cả tổ chức đảng đã hết nhiệm kỳ hoạt động, đã giải thể, thay đổi do chuyển giao, chia tách, sáp nhập”. So với Quy định số 22-QĐ/TW, Quy định 69 đã bổ sung tổ chức đảng thay đổi do “chuyển giao” là rất hợp lý.
3. Về nội dung. Điều 1 Chương I Quy định 69 nêu rõ là “phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng” chứ không ghi quá ngắn gọn là “phạm vi, đối tượng” như Quy định 102 hoặc “phạm vi, đối tượng áp dụng” như Điều 1, Quy định 07.
Về nội dung của Điều 1, Quy định 69 vẫn giữ bố cục gồm 03 khoản của Quy định 07, nhưng nội dung có sự điều chỉnh theo hướng khái quát hóa chứ không liệt kê như Quy định 102. Khoản 1 của Quy định 69 nêu: “Quy định này quy định nội dung vi phạm và hình thức kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm đến mức phải thi hành kỷ luật”.
Như vậy, so với nội dung của Quy định 07, trong Quy định 69 đã bỏ cụm từ “xử lý” và bổ sung cụm từ “đến mức phải thi hành kỷ luật”. Đây là điều rất khoa học và hợp lý, vì thực tế cho thấy, có nhiều tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm nhưng chưa đến mức phải thi hành kỷ luật, hoặc có trường hợp có vi phạm đến mức phải thi hành kỷ luật, nhưng được miễn kỷ luật theo quy định tại điểm đ, e của Điều 2 Quy định 69.
4. Về căn cứ thi hành kỷ luật. Khoản 3 Điều 1 Quy định 69 bổ sung theo hướng mở rộng căn cứ thi hành kỷ luật: “Trường hợp tổ chức đảng, đảng viên vi phạm nội dung chưa nêu trong Quy định này thì căn cứ vào Điều lệ và các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, Điều lệ và quy định của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội để xử lý kỷ luật cho phù hợp với Quy định này”.
5. Về nguyên tắc xử lý kỷ luật. Điều 2 Quy định 69 đã tích hợp các nguyên tắc của Quy định 07 và Quy định 102. Trong 9 nguyên tắc xử lý kỷ luật của Quy định 07 chưa nêu về nguyên tắc bình đẳng, nay khoản 1, Điều 2, Quy định 69 ghi: “Tất cả tổ chức đảng và đảng viên bình đẳng trước kỷ luật của Đảng. Tổ chức đảng và đảng viên vi phạm chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước đều phải xem xét thi hành kỷ luật công minh, chính xác, kịp thời”.
Thực chất nguyên tắc bình đẳng nêu trong Quy định 69 là đã kế thừa khoản 1, Điều 2 của Quy định 102, nhưng có sự thay đổi, vì Khoản 1 Điều 2 Quy định 102 ghi: “xử lý kỷ luật nghiêm minh, chính xác, kịp thời”, nay Quy định 69 diễn đạt lại thành “xử lý kỷ luật công minh, chính xác, kịp thời”, theo đúng quy định của Điều lệ Đảng tại Khoản 1 Điều 35.
Khoản 4 Điều 2 về nguyên tắc xử lý kỷ luật trong Quy định 69 đã thay đổi cách diễn đạt cho chính xác và phù hợp với các quy định của Đảng, Nhà nước. Nếu Khoản 11 Điều 2 của Quy định 102 ghi là “một nội dung vi phạm”, thì nay Khoản 4 Điều 2 Quy định 69 ghi: “Một hành vi vi phạm chỉ bị kỷ luật một lần bằng một hình thức kỷ luật”. Dùng cụm từ “hành vi vi phạm” thay cho “nội dung vi phạm” là rất chính xác, vì quy định của Đảng, Nhà nước chỉ xử lý các hành vi vi phạm theo nội dung, tính chất, mức độ, chứ không xử lý nội dung vi phạm.
6. Khoản 7 Điều 2 Quy định 69 đã bổ sung nơi công bố quyết định kỷ luật trong trường hợp tổ chức đảng đã chuyển giao, chia tách, sáp nhập hoặc kết thúc hoạt động.
Khoản 9 Điều 3 Quy định 07 ghi: “Nếu tổ chức đảng bị kỷ luật đã sáp nhập, chia tách hoặc kết thúc hoạt động thì việc công bố quyết định kỷ luật được thực hiện ở tổ chức đảng cấp trên trực tiếp của tổ chức đảng đó”. Nay Khoản 7 Điều 2 Quy định 69 đã bổ sung “việc công bố quyết định kỷ luật thực hiện ở tổ chức đảng đã tiếp nhận việc chuyển giao, chia tách, sáp nhập hoặc tổ chức đảng cấp trên trực tiếp của tổ chức đảng đó”.
7. Quy định 69 đã bổ sung trách nhiệm của người đứng đầu trong kỷ luật tổ chức đảng. Khoản 8 Điều 2 Quy định 69 ghi: “Kỷ luật tổ chức đảng phải xem xét rõ trách nhiệm của tổ chức, đồng thời xem xét trách nhiệm của từng cá nhân liên quan để kỷ luật đối với đảng viên vi phạm, nhất là trách nhiệm người đứng đầu”. Đây cũng là sự đồng bộ hóa các quy định của Đảng về vấn đề nêu gương, trước hết là của người đứng đầu.
8. Về đối tượng bị khai trừ ra khỏi Đảng và trách nhiệm bồi thường của đảng viên khi có vi phạm. Khoản 5 Điều 2 của Quy định 102 ghi: “Đảng viên vi phạm pháp luật đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải truy cứu trách nhiệm hình sự, không "xử lý nội bộ"; bị tòa án tuyên phạt từ hình phạt cải tạo không giam giữ trở lên thì phải khai trừ”. Khoản 9 Điều 2 Quy định 69 đã bổ sung thêm đối tượng là đảng viên bị truy nã: “đảng viên vi phạm pháp luật đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự, bị truy nã, bị tòa án tuyên phạt từ hình phạt cải tạo không giam giữ trở lên thì khai trừ ra khỏi Đảng”. Ngoài ra, Khoản 9 Điều 2 Quy định 69 còn quy định về trách nhiệm bồi thường của đảng viên khi có vi phạm: “Nếu làm thất thoát tài chính, tài sản của Đảng, Nhà nước, của tổ chức, cá nhân thì phải xem xét trách nhiệm và bồi thường”.
9. Chính xác hóa khái niệm hình thức xử phạt của pháp luật. Khoản 10 Điều 2 Quy định 69 đã thay thế cụm từ “các hình thức xử lý của pháp luật’ theo Khoản 6 Điều 2 của Quy định 102 bằng cụm từ “các hình thức xử phạt của pháp luật”. Mặt khác, Khoản 10 Điều 2 Quy định 69 đã chính xác hóa thời hạn cơ quan bảo vệ pháp luật thi hành kỷ luật, khởi tố bị can hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với cán bộ, công chức, viên chức, hội viên, đoàn viên, người lao động là đảng viên thì phải thông báo ngay bằng văn bản cho tổ chức đảng quản lý đảng viên từ “30 ngày làm việc” của Khoản 6 Điều 2 của Quy định 102 thành “30 ngày”. Điều này cũng thúc đẩy các cơ quan bảo vệ pháp luật phải nâng cao tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ và tăng cường hoạt động phối hợp của các cơ quan có trách nhiệm đối với những vụ việc có liên quan đến sinh mệnh chính trị của đảng viên.
10. Về trường hợp chưa kỷ luật, không hoặc miễn kỷ luật. Quy định 69 chỉnh lý lại Điều 2 của Quy định 102 thành Khoản 14 Điều 2. Mục 1 của Điều 2 của Quy định 102 được quy định thành điểm a Khoản 14 Điều 2 Quy định 69 và bổ sung thêm: “đảng viên là nam giới (trường hợp vợ chết hoặc vì lý do khách quan, bất khả kháng khác) đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì chưa xem xét kỷ luật”.
Khoản 14 Điều 2 Quy định 69 bổ sung thêm các điểm b, d, đ, e như sau:
“b) Đảng viên bị bệnh nặng đang điều trị nội trú tại bệnh viện thì chưa xem xét kỷ luật, khi sức khỏe ổn định (được ra viện) mới xem xét kỷ luật…
d) Đảng viên bị tuyên bố mất tích nếu phát hiện vi phạm vẫn phải xem xét, kết luận nhưng chưa xử lý kỷ luật, khi phát hiện đảng viên đó còn sống thì thi hành kỷ luật theo quy định.
đ) Đảng viên thực hiện đề xuất về đổi mới, sáng tạo theo Kết luận số 14-KL/TW ngày 22-9-2021 của Bộ Chính trị, được cơ quan có thẩm quyền cho phép nhưng xảy ra thiệt hại thì cơ quan có thẩm quyền xác định rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, đánh giá khách quan, toàn diện; nếu đã thực hiện đúng chủ trương, có động cơ trong sáng, vì lợi ích chung thì miễn kỷ luật hoặc giảm nhẹ trách nhiệm.
e) Vi phạm do chấp hành chủ trương, quyết định, mệnh lệnh sai trái của tổ chức, cấp trên hoặc do bị ép buộc nhưng đã chủ động, kịp thời báo cáo bằng văn bản với tổ chức, cơ quan có thẩm quyền biết ý kiến, đề xuất của mình trước khi thực hiện thì miễn kỷ luật”.
Đây là quy định mới rất hợp lý, vì bên cạnh việc bổ sung điểm b “chưa xem xét kỷ luật” đối với đảng viên “bị bệnh nặng đang điều trị nội trú tại bệnh viện”; điểm d về xử lý kỷ luật đối với đảng viên “bị tuyên bố mất tích”, thì điểm đ Khoản 14 Điều 2 Quy định 69 đã kịp thời cập nhật Kết luận số 14-KL/TW ngày 22-9-2021 của Bộ Chính trị và cũng là động lực để nhiều đảng viên có thêm dũng khí và tự tin để thực hiện đề xuất về đổi mới, sáng tạo.
Điểm e Khoản 14 Điều 2 Quy định 69 đưa ra quy định về miễn kỷ luật là rất phù hợp với thực tế hiện nay vì Quy định 102 có quy định về những tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng mức kỷ luật đảng (Điều 4); các trường hợp chưa xem xét, xử lý kỷ luật và không xử lý kỷ luật (Điều 5). Quy định 07 có quy định về những tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng mức kỷ luật (Điều 7), nhưng chưa có quy định về chưa kỷ luật, không hoặc miễn kỷ luật thì chưa bao quát hết các trường hợp.
Thực tế cho thấy, trong quy định của pháp luật cũng có quy định về miễn trách nhiệm hình sự như: khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử do chuyển biến của tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa; khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử, người phạm tội mắc bệnh hiểm nghèo dẫn đến không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội nữa; trước khi hành vi phạm tội bị phát giác, người phạm tội tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm và lập công lớn hoặc có cống hiến đặc biệt, được Nhà nước và xã hội thừa nhận. Như vậy, nếu đáp ứng các yêu cầu theo quy định của các điểm đ, e Khoản 14 Điều 2 thì hoàn toàn có thể “giảm nhẹ trách nhiệm” hoặc miễn kỷ luật cho đảng viên đó.
11. Về cách diễn đạt văn kiện của Đảng và Nhà nước. Khoản 1 Điều 3 Quy định 69 đã diễn đạt lại Khoản 2 Điều 2 của Quy định 07 và Khoản 1 Điều 6 Quy định 102 bằng việc thay thế cách liệt kê: Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quyết định, quy chế, kết luận, hướng dẫn,... của Đảng thành “gọi chung là chủ trương, quy định của Đảng”; Hiến pháp, luật, pháp lệnh, nghị quyết, nghị định, thông tư, chỉ thị, quy định, quyết định,.. của Nhà nước thành “gọi chung là pháp luật của Nhà nước”. Bên cạnh đó, Điều 3 Quy định 69 bổ sung Khoản 3: Chức vụ trong Đảng: Là chức vụ của đảng viên được bầu cử; được cấp có thẩm quyền chỉ định, bổ nhiệm, chuẩn y hoặc các chức danh kiêm nhiệm khác theo quy định của Đảng.
12. Về mức độ nghiêm trọng của vi phạm. Khoản 4 Điều 3 Quy định 69 đã chỉnh lý lại các khoản 3, 4, 5 Điều 2 của Quy định 07 và các điểm a, b, c, d Khoản 5 Điều 6 Quy định 102.
Theo các điểm a, b, c, d Khoản 5 Điều 6 Quy định 102 có 04 mức là: vi phạm gây hậu quả ít nghiêm trọng, vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng, vi phạm gây hậu quả rất nghiêm trọng và vi phạm gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Theo các khoản 3, 4, 5 Điều 2 của Quy định 07 có 03 mức là: vi phạm gây hậu quả ít nghiêm trọng, vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng và vi phạm gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Hiện nay, Khoản 4 Điều 3 Quy định 69 giữ nguyên 03 mức vi phạm của tổ chức đảng là: vi phạm gây hậu quả ít nghiêm trọng, vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng và vi phạm gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng; Khoản 5 Điều 3 Quy định 69 đã chuyển 04 mức vi phạm theo các điểm a, b, c, d Khoản 5 Điều 6 Quy định 102 thành có 03 mức là: ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng.
Vấn đề đặt ra là, cần có sự thống nhất trong cách sử dụng mức độ vi phạm đối với hậu quả do vi phạm gây ra vì với tổ chức đảng là ít nghiêm trọng, nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng thì đối với hậu quả do đảng viên gây ra lại là: ít nghiêm trọng, nghiêm trọng và rất nghiêm trọng.
Các khoản 6 về tái phạm; khoản 7 về thiếu trách nhiệm; khoản 10, 11 về tổ chức đảng, cá nhân buông lỏng lãnh đạo, quản lý tại Điều 3 Quy định 69 đã được diễn đạt lại trên cơ sở kế thừa Quy định 102 và Quy định 07.
13. Về tình tiết giảm nhẹ mức kỷ luật đối với tổ chức đảng. Khoản 1 Điều 5 Quy định 69 đã chỉnh sửa lại Khoản 1 Điều 7 Quy định 07 theo hướng bổ sung việc các tổ chức đảng “chủ động, kịp thời báo cáo vi phạm với tổ chức đảng cấp trên, thái độ kiểm điểm nghiêm túc, tự giác nhận khuyết điểm, vi phạm và tự nhận hình thức kỷ luật tương xứng với vi phạm” (điểm a) cũng như “chủ động, khắc phục cơ bản, kịp thời hậu quả” (điểm c) sẽ được coi là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm kỷ luật đối với tổ chức đảng.
Khoản 2 Điều 5 Quy định 69 về tình tiết giảm nhẹ mức kỷ luật đối với đảng viên đã bổ sung Khoản 1 Điều 4 Quy định 102 việc đảng viên “tự nhận hình thức kỷ luật tương xứng với nội dung, tính chất, mức độ vi phạm trước và trong quá trình kiểm tra, giám sát” (điểm a), “tự giác nộp tài sản tham nhũng” (điểm c).
Ngoài ra, Khoản 2 Điều 5 Quy định 69 bổ sung điểm d: “Vi phạm khi thực hiện chủ trương hoặc thí điểm đổi mới, sáng tạo được cấp có thẩm quyền cho phép theo quy định, không thuộc trường hợp quy định tại Điểm đ, Khoản 14, Điều 2 Quy định này” sẽ được coi là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm kỷ luật đối với đảng viên.
14. Về tình tiết tăng nặng mức kỷ luật đối với tổ chức đảng. Khoản 1 Điều 6 Quy định 69 đã chỉnh sửa lại Khoản 2 Điều 7 Quy định 07 và bổ sung thêm tình tiết tăng nặng ở điểm e: “Biết mà không ngăn chặn hoặc để cán bộ, đảng viên thuộc tổ chức mình trực tiếp quản lý xảy ra tham nhũng, tiêu cực gây hậu quả nghiêm trọng”.
15. Về nội dung vi phạm chủ trương, quy định của Đảng. Điểm a Khoản 3 Điều 8 của Quy định 69 đã bổ sung việc tổ chức đảng có hành vi “phủ định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam” thì sẽ bị kỷ luật bằng hình thức giải tán. Ngoài ra, điểm đ Khoản 3 Điều 8 bổ sung thêm: bên cạnh việc tổ chức đảng xuyên tạc đường lối quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, thì nếu xuyên tạc “đường lối đối ngoại” của Đảng, Nhà nước cũng sẽ bị kỷ luật bằng hình thức giải tán.
16. Về vi phạm nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng. Khoản 1 Điều 10 của Quy định 69 đã chỉnh sửa Điều 10 Quy định 07, bổ sung việc tổ chức đảng có hành vi “không đề ra giải pháp và tổ chức thực hiện khắc phục vi phạm, khuyết điểm được cấp có thẩm quyền kết luận” thì bị kỷ luật bằng hình thức khiển trách. Điểm b Khoản 1 Điều 10 Quy định 69 sửa điểm c, Điều 10 Quy định 07 “không chấp hành nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ” thành “Không chấp hành các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng”.
Quy định 69 bỏ điểm e Khoản 1 Điều 10 Quy định 07 về “ủy quyền cho cấp dưới xem xét, thực hiện một số nhiệm vụ không đúng hoặc vượt quá thẩm quyền” thì tổ chức đảng đó sẽ bị kỷ luật khiển trách; đồng thời, bổ sung điểm c Khoản 3 Điều 10 Quy định 69: Nếu tổ chức đảng “ban hành nghị quyết chống lại chủ trương, quy định của Đảng, phủ định các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng” thì sẽ bị kỷ luật bằng hình thức giải tán.
Ngoài những điểm mới nêu trên, Quy định 69 còn có nhiều bổ sung cụ thể trong nội dung của từng khoản, từng điều theo hướng cập nhật các hành vi mới phát sinh từ thực tế để các cấp ủy, tổ chức đảng dễ vận dụng khi áp dụng trong thực tế.
_________________
PGS, TS LÊ VĂN CƯỜNG
Viện Xây dựng Đảng,
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh