Nguồn lây và triệu chứng khi nhiễm vi khuẩn Salmonella

Salmonella
Hình ảnh chụp bằng kính hiển vi điện tử quét cho thấy vi khuẩn Salmonella xâm nhập vào tế bào con người.  

Liên quan đến vụ ngộ độc thực phẩm tại Trường iSchool Nha Trang, kết quả xét nghiệm của Viện Pasteur Nha Trang đã phát hiện 3 loại vi khuẩn: Salmonella spp, Escherichia coli, Bacillus cereus trong mẫu cánh gà chiên. Đồng thời, trong mẫu nước mắm cũng phát hiện vi khuẩn Bacillus cereus. 

Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ, Salmonella là một vi khuẩn hình que, thuộc họ Enterobacteriaceae (vi khuẩn đường ruột). Có nhiều chủng vi khuẩn Salmonella gây bệnh, trong đó chủ yếu là các chủng Salmonella gây ngộ độc thực phẩm. Salmonella có thể tìm thấy trong rất nhiều loại thực phẩm: Thịt gà, thịt bò, thịt lợn, trứng, rau, hoa quả và thậm chí cả trong thực phẩm chế biến. Thực phẩm bị nhiễm Salmonella có thể ảnh hưởng đến hình dáng, mùi vị, chất lượng và có khả năng gây bệnh cho con người. 

Salmonella có khả năng lây lan nhanh chóng, có khả năng sống tốt trong các môi trường khác nhau bên ngoài cơ thể vật chủ như chúng có thể sống 2-3 tháng trong nước đá, hơn 1 tháng trong nước thường, khoảng 5-10 ngày trong rau quả hay vài tháng trong phân. Tuy nhiên, vi khuẩn Salmonella dễ dàng bị tiêu diệt khi trong môi trường có nhiệt độ cao, chúng chỉ có thể sống 30 phút khi nhiệt độ lên đến 55 độ C và vài phút khi gặp cồn 90 độ C. 

Đối với các vụ ngộ độc do Salmonella, nguyên nhân chính của sự tăng lên ngộ độc này là các loại gia cầm và trứng, khi thực phẩm bị nhiễm bẩn và chế biến không chín, hoặc người bệnh ăn các loại trứng sống, các sản phẩm của trứng chưa chín. Salmonella phổ biến hơn trong thực phẩm từ động vật, như trứng, thịt bò và gia cầm. Nhưng đất hoặc nước cũng có thể làm ô nhiễm trái cây và rau quả. Ngoài ra, Salmonella có thể được lây nhiễm từ thực phẩm này sang thực phẩm khác bằng tay hoặc dao, thớt, đĩa và các dụng cụ nhà bếp khác. Không những thế, bạn có thể bị nhiễm trùng nếu không nấu chín một số loại thức ăn đủ kỹ. 

Thực tế, vi khuẩn salmonella sống trong ruột của một số loại động vật, đặc biệt là: Các loài chim, chẳng hạn như gà và gà tây; động vật lưỡng cư, chẳng hạn như ếch, cóc và kỳ nhông; bò sát, chẳng hạn như rắn, thằn lằn và rùa. Nếu phân của những động vật này dính vào tay, bạn có thể lây bệnh cho chính mình hoặc người khác. 

Nhiễm vi khuẩn Salmonella ở trẻ là một bệnh lý về đường ruột do vi khuẩn Salmonella gây ra. Bệnh thường xuất hiện ở trẻ dưới 5 tuổi, trong đó, có đến ⅓ trường hợp trẻ nhiễm khuẩn dưới 4 tuổi. Trẻ nhỏ dưới 12 tháng tuổi, nhất là những trẻ không bú sữa mẹ; trẻ nhỏ, người cao tuổi từ 65 tuổi trẻ lên, người có hệ miễn dịch suy yếu; người bệnh đang điều trị các thuốc làm giảm acid dạ dày. 

Khi trẻ nhiễm vi khuẩn Salmonella, sẽ trải qua các giai đoạn và có các triệu chứng sau: Ở mức độ nhẹ, trẻ hơi đau bụng, đi phân lỏng vài lần, không sốt. 

Ở mức độ vừa, trẻ sẽ xuất hiện các triệu chứng buồn nôn, nôn; nhức đầu choáng váng khó chịu; sốt; đau bụng dữ đội; tiêu chảy; chán ăn… 

Ở mức độ nặng, trẻ sẽ đối mặt với 3 hội chứng nguy hiểm: 

- Hội chứng nhiễm khuẩn nhiễm độc: Khởi phát đột ngột, trẻ sốt cao 38 độ C – 40 độ C, có lúc rét run. Ngoài ra trẻ còn đau đầu, đau mỏi cơ khớp, số l­ượng bạch cầu thường tăng, neutrophil tăng. 

- Hội chứng viêm dạ dày, tiểu tràng cấp: Trẻ xuất hiện cơn đau bụng vùng th­ượng vị và quanh rốn, đôi khi đau lan tỏa khắp bụng và có hiện tượng sôi bụng. Trẻ buồn nôn và nôn ói nhiều lần, sau đó đi ngoài nhiều lần trong ngày, phân nhiều nước, có thể lẫn thức ăn chư­a tiêu. Tình trạng tiêu chảy kéo dài ở trẻ có thể kèm theo dịch nhầy, máu. 

 - Hội chứng mất nước điện giải: Trẻ khát nước, mất nước khiến môi khô, mắt trũng, sụt cân; mạch nhanh, nhỏ, huyết áp tụt; có thể thiểu niệu, vô niệu, bụng chư­ớng, chuột rút, chân tay lạnh,… Với trẻ nhỏ sẽ có hiện tượng thóp trũng, khóc không có n­ước mắt… 

Nếu trẻ có các biểu hiện bệnh kể trên, bố mẹ nên thông báo cho bác sĩ và đưa bé đến bệnh viện để trẻ được kiểm tra và hỗ trợ điều trị đúng cách.