Hồ Chí Minh với công tác tuyên truyền đối ngoại

331e3f942c23eda63bbfc98119bd7453_L

Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Bí thư thứ nhất Lê Duẩn dự Đại hội lần thứ XXII của Đảng Cộng sản Liên Xô, năm 1961 - Ảnh tư liệu TTXVN

Tư tưởng Hồ Chí Minh về tuyên truyền đối ngoại là sự kế thừa, phát huy truyền thống ngoại giao của dân tộc và sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện thực tiễn Việt Nam cùng với kinh nghiệm hoạt động thực tiễn của Hồ Chí Minh. Tư tưởng Hồ Chí Minh về tuyên truyền đối ngoại thể hiện trên những nội dung cơ bản sau:

1. Nội dung tuyên truyền bám sát mục tiêu, nhiệm vụ cách mạng

Trong quá trình tìm đường cứu nước và hoạt động trong phong trào cộng sản quốc tế, Hồ Chí Minh đã đến nhiều nước, vùng lãnh thổ trên thế giới. Người vừa lao động mưu sinh, vừa tự học tập, nghiên cứu, hoạt động cách mạng và đã tìm thấy con đường cách mạng đúng đắn, phù hợp cho dân tộc - con đường cách mạng vô sản vào năm 1920. Trong quá trình hoạt động cách mạng, Người luôn tranh thủ, tận dụng mọi cơ hội để tuyên truyền con đường cách mạng vô sản cho bạn bè quốc tế, nhất là những nước thuộc địa, phụ thuộc cùng chung cảnh ngộ và nhân dân tiến bộ trên thế giới để họ hiểu rõ hơn và ủng hộ sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của Việt Nam.

Trong tác phẩm Bản án chế độ thực dân Pháp  (năm 1925), Nguyễn Ái Quốc lên án tội ác của đế quốc Pháp đối với nhân dân Việt Nam cũng như với các thuộc địa Pháp, đồng thời Người ra sức tuyên truyền, kêu gọi giai cấp vô sản ở chính quốc phải đoàn kết, ủng hộ cuộc đấu tranh cách mạng của giai cấp vô sản và nhân dân các thuộc địa, thức tỉnh họ đứng lên giành độc lập dân tộc theo con đường Cách mạng Tháng Mười Nga. Đồng thời, thuyết phục nhân dân tiến bộ Pháp đồng tình, ủng hộ cuộc đấu tranh giành độc lập tự do của nhân dân Việt Nam. Người nhấn mạnh: Cách mạng muốn thắng lợi, “Đảng phải tuyên truyền chủ nghĩa xã hội trong tất cả các nước thuộc địa”(1) và kêu gọi thanh niên cộng sản Pháp phải “đưa những thành viên chắc chắn nhất đăng lính vào đội quân thuộc địa để dân sự tuyên truyền trong những người bản xứ”(2).

Hồ Chí Minh còn nhấn mạnh: Cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền đối ngoại vì giai cấp tư sản “tiến hành tuyên truyền hết sức ráo riết. Bằng những bài nói chuyện, bằng điện ảnh, báo chí, triển lãm và mọi phương pháp khác nữa, nó nhồi cho nhân dân các chính quốc cái đầu óc thực dân, nêu lên trước mắt họ cảnh sống dễ dàng, vinh quang và giàu có đang chờ đợi họ ở các nước thuộc địa”(3).

Người chỉ rõ, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự thất bại của Hội quốc tế chống xâm lược vì: “Thiếu sự tuyên truyền đối ngoại: Một là vì mới thành lập, phải hoàn toàn giữ bí mật; hai là thiếu nhân tài ngoại giao; ba là lần đầu tiên đi làm ngoại giao, cử ba người thì hai người giữa đường hy sinh, còn lại một người nhờ được Trung Quốc chăm nom hết sức chu đáo, nhưng đã một năm rưỡi vẫn chưa thấy trở về”(4). Do đó, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Người luôn quan tâm công tác tuyên truyền đối ngoại để các nước hiểu hơn về sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam.

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Việt Nam còn phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thử thách, lâm vào tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”. Trước tình hình đó, Hồ Chí Minh chủ trương đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền đối ngoại nhằm làm cho các nước trên thế giới hiểu rõ hơn về tình cảnh của đất nước ta, từ đó, kêu gọi sự ủng hộ của các nước đối với cách mạng Việt Nam. Thay mặt Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Hồ Chí Minh tuyên bố: “Thái độ nước Việt Nam đối với những nước Á châu là một thái độ anh em, đối với ngũ cường là một thái độ bạn bè”(5) và mong muốn “làm bạn với tất cả mọi nước dân chủ và không gây thù oán với một ai”(6).

Nhằm tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân Pháp, trong “Thư gửi thanh niên Pháp” (tháng 10-1953), Hồ Chí Minh nêu rõ: “Bọn thực dân Pháp và bọn can thiệp Mỹ là những kẻ duy nhất phải chịu trách nhiệm về cuộc chiến tranh phi nghĩa này, nó đã gây nên bao nhiêu khổ cực và tang tóc cho nhân dân Pháp cũng như nhân dân Việt Nam. Cho nên các bạn và chúng tôi, chúng ta phải sát cánh cùng nhau đấu tranh kiên quyết để thắng kẻ thù chung của chúng ta. Chỉ có như thế chúng ta mới có thể thực hiện được mục đích chung của chúng ta là cộng tác thân ái với nhau trên cơ sở độc lập, tự do và hòa bình, vì lợi ích chân chính của hai nước chúng ta”(7).

Ngày 26-11-1953, khi trả lời nhà báo Thụy Điển, Hồ Chí Minh tiếp tục khẳng định: “Cuộc chiến tranh ở Việt Nam là do Chính phủ Pháp gây ra. Nhân dân Việt Nam phải cầm vũ khí anh dũng chiến đấu bảy, tám năm nay chống kẻ xâm lược chính để bảo vệ nền độc lập và quyền tự do được sống hòa bình. Hiện nay nếu thực dân Pháp tiếp tục cuộc chiến tranh xâm lược thì nhân dân Việt Nam quyết tâm tiếp tục cuộc chiến tranh ái quốc đến thắng lợi cuối cùng”(8).

Hồ Chí Minh ra sức tuyên truyền để bạn bè quốc tế hiểu rõ tính chính nghĩa của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, nhân dân Việt Nam vì yêu chuộng hòa bình và khát khao bảo vệ nền độc lập dân tộc mà buộc lòng phải đứng lên đấu tranh chống xâm lược của thực dân Pháp và sẵn sàng thỏa thuận với Pháp để nhanh chóng kết thúc chiến tranh ở Việt Nam. Vì “nếu Chính phủ Pháp đã rút được bài học trong cuộc chiến tranh mấy năm nay, muốn đi đến đình chiến ở Việt Nam bằng cách thương lượng và giải quyết vấn đề Việt Nam theo lối hòa bình thì nhân dân và Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa sẵn sàng tiếp ý muốn đó”(9) trên cơ sở tôn trọng nền độc lập thực sự của nước Việt Nam.

Kiên trì tận dụng mọi diễn đàn để tuyên truyền đối ngoại, Hồ Chí Minh và cách mạng Việt Nam đã từng bước phá thế cô lập về ngoại giao, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của nhân dân yêu chuộng hòa bình và dư luận tiến bộ trên thế giới đối với cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân Việt Nam.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975), công tác tuyên truyền đối ngoại tiếp tục được đẩy mạnh để tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của quốc tế đối với công cuộc xây dựng miền Bắc và cuộc đấu tranh cách mạng ở miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

2. Cần hiểu rõ đối tượng và đề ra phương pháp tuyên truyền phù hợp

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở: “Người tuyên truyền không điều tra, không phân tách, không nghiên cứu, không hiểu biết quần chúng, chỉ gặp sao nói vậy, bạ gì viết nấy, nhất định thất bại”(10). Do vậy, người tuyên truyền phải nghiên cứu, nắm được đặc điểm của từng đối tượng và phân loại đối tượng, từ đó xác định phương pháp tuyên truyền thích hợp. Theo Hồ Chí Minh, các nhóm đối tượng tuyên truyền gồm có:

Một là, Đảng, Chính phủ và nhân dân các nước xã hội chủ nghĩa.  Tại Đại hội lần thứ XVIII của Đảng Xã hội Pháp, Hồ Chí Minh khẳng định: “Đảng phải tuyên truyền chủ nghĩa xã hội trong tất cả các nước thuộc địa. (…) Chúng tôi rất sung sướng khi nghe tin thành lập một đoàn đại biểu thường trực nghiên cứu về Bắc Phi, và mai đây, chúng tôi sẽ vui mừng nếu Đảng phái một đồng chí của Đảng để nghiên cứu tại chỗ những vấn đề ở Đông Dương và đề xuất những hoạt động cần phải tiến hành”(11). Trong Bức điện gửi Stalin, Hồ Chí Minh đã phản ánh chân thực, khách quan về tình hình Việt Nam dưới sự thống trị của Pháp - Nhật và kêu gọi sự ủng hộ, giúp đỡ của Stalin, đề nghị Chính phủ Liên Xô đưa vấn đề Việt Nam ra trước Hội đồng Liên hợp quốc: “Nhân dân mong muốn hợp tác với Liên hợp quốc vì sự nghiệp tạo ra nền hòa bình lâu dài trên toàn thế giới”(12).

Hai là, chính giới và nhân dân các nước đế quốc.  Trong Bản yêu sách của nhân dân An Nam gửi Hội nghị Vécxây năm 1919, Nguyễn Ái Quốc đòi các quyền lợi cơ bản của nhân dân Việt Nam. Bản yêu sách không những được gửi đến các đoàn địa biểu các nước Đồng minh, các nghị sĩ Pháp mà còn được gửi đăng trên các báo, gửi các nhà hoạt động chính trị có uy tín, phân phát trong các buổi hội họp, míttinh… đã làm chấn động dư luận Pháp.

Trong cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do, để khẳng định về tính chính nghĩa, “Thư gửi Trung úy Phen” (tháng 8-1945), Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Chiến tranh đã kết thúc thắng lợi. Nhưng chúng tôi, những nước nhỏ và phụ thuộc, không có phần đóng góp hoặc đóng góp rất ít vào thắng lợi của tự do, của dân chủ. Nếu muốn đóng góp một phần xứng đáng, chúng tôi phải tiếp tục chiến đấu. Tôi tin rằng ông và nhân dân Mỹ vĩ đại sẽ luôn luôn ủng hộ chúng tôi”(13).

Để tuyên truyền về sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và kêu gọi sự ủng hộ của Hoa Kỳ đối với cách mạng Việt Nam, ngày 18-1-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho Tổng thống Truman bày tỏ hy vọng: “Hoa Kỳ sẽ giúp nhân dân Việt Nam đạt được độc lập và ủng hộ nhân dân Việt Nam trong quá trình tái thiết đất nước” và cam kết nếu nhận được sự ủng hộ của Hoa Kỳ, “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẽ đóng góp công sức vào việc xây dựng hòa bình và thịnh vượng trên thế giới”(14).

Đối với người Hoa sinh sống trên đất nước Việt Nam, Hồ Chí Minh tuyên truyền để họ thấy rõ: Nhân dân Việt Nam nồng nhiệt hoan nghênh anh em Hoa kiều sinh sống trên đất nước ta và mong muốn anh em vứt bỏ thành kiến, thành thực hợp tác để cùng nhau giải quyết các vướng mắc theo nguyên tắc hợp pháp, hợp lý với thái độ kính trọng, nhường nhịn lẫn nhau, không được vì những việc tranh chấp nhỏ của cá nhân mà gây điều bất hạnh ngăn cách giữa hai dân tộc. “Chúng ta hãy nắm tay nhau chặt chẽ hơn nữa, cùng nhau hô to: Dân tộc Trung Hoa giải phóng muôn năm! Dân tộc Việt Nam độc lập muôn năm! Hai dân tộc Trung - Việt đoàn kết muôn năm!”(15).

Ba là, giai cấp công nhân, nhân dân lao động, phong trào cộng sản thế giới.  Năm 1922, Nguyễn Ái Quốc lập ra báo Người cùng khổ  và viết bài cho nhiều tạp chí có uy tín, như tờ Nhân đạo  của Đảng Cộng sản Pháp, Đời sống thợ thuyền của Liên đoàn Lao động Pháp, Điện tín Quốc tế của Quốc tế Cộng sản, Sự thật của Đảng Cộng sản Nga...

Tại Đại hội Đảng Cộng sản Pháp lần thứ II, Hồ Chí Minh “Yêu cầu các đảng bộ cộng sản ở thuộc địa tăng cường công tác tuyên truyền và kết nạp đảng viên trong số người bản xứ”(16). Để đưa sự nghiệp đấu tranh của các Đảng Cộng sản và phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở các thuộc địa giành thắng lợi, Hồ Chí Minh khẳng định công tác tuyên truyền đối ngoại cần được đẩy mạnh hơn nữa. “Đảng chủ trương nỗ lực để cứu vớt tất cả những anh em ở các thuộc địa, đảng yêu cầu các bạn thông tin cho đảng biết về tất cả những ngược đãi mà các bạn mỗi lúc lại là nạn nhân; đảng sẵn sàng để các bạn tuyên truyền trên báo chí của đảng và sẵn sàng để các nhân vật chính trị của đảng giúp đỡ các bạn”(17).

Bốn là, người Việt Nam ở các nước. Hồ Chí Minh quan tâm tuyên truyền vận động trong đồng bào Việt Nam ở nước ngoài. Năm 1919, Người đã thuê in “Yêu sách của nhân dân An Nam” thành truyền đơn, đăng tải trên các báo, gửi đến các nhà hoạt động chính trị, phân phát trong các buổi hội họp, míttinh, gửi cho người Việt ở Pháp và gửi về nước để nhân dân hiểu rõ hơn tình cảnh của đất nước, từ đó thức tỉnh, cổ vũ nhân dân ra sức đấu tranh.

Trong “Thư gửi một Việt kiều báo tin nước nhà độc lập” (năm 1945), Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Tôi rất lấy làm sung sướng báo tin cho ông biết nước Việt Nam ta đã độc lập rồi… Tôi vẫn nghe ông là người yêu nước thương nòi, vậy dịp này rất thuận tiện cho ông tỏ lòng trung thành với Tổ quốc và ra sức ủng hộ Chính phủ Cộng hòa. Nước Việt Nam ta sau này thịnh hay suy, mạnh hay yếu, trách nhiệm ở toàn thể quốc dân. Chắc các ông sẽ không phụ tấm lòng mong mỏi của đồng bào và sự tín nhiệm của Chính phủ… Mong rằng ở chốn xa xôi, ông vẫn luôn nhớ đến Tổ quốc và gắng sức làm việc ích lợi cho nhân dân”(18).

Trong “Thư gửi kiều bào tại Pháp”, Hồ Chí Minh đã phân tích sâu sắc những thành công trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc Việt Nam và kêu gọi người Việt tại Pháp luôn luôn đoàn kết chặt chẽ và gắng sức học tập nắm vững khoa học - kỹ thuật tiên tiến của thế giới, để sau này về nước góp phần vào công cuộc xây dựng Tổ quốc ta mau chóng trở thành một nước giàu mạnh(19).

3. Phương thức tuyên truyền đối ngoại đa dạng, phong phú

Để tuyên truyền đối ngoại đạt hiệu quả, ngoài việc xác định đúng nội dung, đối tượng cần có phương thức tuyên truyền thích hợp. Hồ Chí Minh nhấn mạnh đến một số phương thức tuyên truyền cơ bản sau: “a) bằng các báo chí xuất bản ở Pháp. b) bằng diễn đàn của các Đại hội của chúng ta và khi cần, bằng diễn đàn của nghị viện. c) bằng các hội nghị…”(20). Và Người đã sử dụng hiệu quả báo chí, các diễn đàn đại hội, hội nghị, xuất bản sách để tuyên truyền cho nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới thấy rõ tội ác của thực dân Pháp và nỗi thống khổ của nhân dân Việt Nam. Từ đó, phản đối các hành động chiến tranh xâm lược phi nghĩa của thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và ủng hộ cách mạng Việt Nam.

Hồ Chí Minh tham gia, phát biểu trên các diễn đàn quốc tế và nhấn mạnh các vấn đề thuộc địa, nhất là phản ánh, lên án gay gắt sự cai trị dã man của thực dân Pháp đối với nhân dân Việt Nam. Người còn tham gia sinh hoạt tại nhiều các tổ chức như Hội những người Việt Nam yêu nước tại Pháp, Hội Liên hiệp các dân tộc thuộc địa… Qua đó, Hồ Chí Minh có cơ hội tuyên truyền về tình hình Việt Nam để cho bạn bè quốc tế hiểu rõ và kêu gọi sự đoàn kết của các nước trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù chung là chủ nghĩa thực dân. Những hoạt động tuyên truyền đối ngoại của Người có tác động sâu sắc đến dư luận quốc tế.

4. Phong cách tuyên truyền đối ngoại thẳng thắn, kiên định, mềm dẻo, hiệu quả

Trong quá trình hoạt động cách mạng, Hồ Chí Minh luôn tận dụng mọi lúc, mọi nơi, mọi diễn đàn để tuyên truyền cách mạng, nhằm lên án sự áp bức bóc lột của chủ nghĩa thực dân và đòi các quyền tự do, dân chủ với lý lẽ sắc bén, khách quan, khoa học nhưng đầy chất văn hóa, nghệ thuật, hài hước và rất tinh tế, có sức thu phục lòng người…

Trên các diễn đàn, hội nghị, Hồ Chí Minh không chỉ lên án mạnh mẽ thực dân Pháp mà còn thẳng thắn phê bình Đảng Cộng sản Pháp chưa quan tâm đúng mức đến tình hình các nước thuộc địa, nhất là đối với ba nước Đông Dương.

Trong tuyên truyền đối ngoại, với những đối tượng khác nhau, Hồ Chí Minh luôn tranh thủ thời cơ, kịp thời thuyết phục, giải thích, cảm hóa và tranh thủ sự đồng tình đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

Vận dụng linh hoạt, mềm dẻo các phương pháp tuyên truyền đối ngoại, Hồ Chí Minh đã từ thế bị động chuyển sang thế chủ động và lợi dụng diễn đàn để tuyên truyền đối ngoại làm thất bại âm mưu xuyên tạc của chủ nghĩa thực dân.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác tuyền truyền đối ngoại luôn giữ nguyên giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc. Sau 35 năm tiến hành đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn và ngày càng khẳng định được vị thế của đất nước trên thế giới, trong đó, có đóng góp của công tác tuyên truyền đối ngoại. Với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ, phương thức chuyển tải thông tin rất phong phú, đa dạng. Đây là thuận lợi đối với công tác tuyên truyền đối ngoại của Đảng, Chính phủ và nhân dân trong tình hình mới. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, công tác tuyên truyền đối ngoại cũng có nhiều thách thức. Đó là tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, cạnh tranh địa chiến lược, các thế lực thù địch, các phần tử cơ hội chính trị gia tăng các hoạt động tuyên truyền chống phá cách mạng Việt Nam, xuyên tạc, phủ định những thành tựu mà Đảng, nhân dân Việt Nam đạt được, từ đó, lôi kéo, kích động nhân dân phản đối tiến tới lật đổ chế độ chính trị ở Việt Nam.

Trước tình hình đó, quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về tuyên truyền đối ngoại, cần tiếp tục đẩy mạnh: “Đổi mới nội dung, phương pháp, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền đối ngoại”, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, nâng cao uy tín, vị thế quốc gia, gửi đi thông điệp: “Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”(21).

 

(1), (2), (3), (11), (16), (17), (20) Hồ Chí Minh: Toàn tập,  t.1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.35, 221-222, 300, 35, 492, 494, 476.

(4), (13) Hồ Chí Minh: Toàn tập,  t.3, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.487, 592.

(5), (6), (10) Hồ Chí Minh: Toàn tập,  t.5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.163, 256, 300.

(7), (8), (9) Hồ Chí Minh: Toàn tập,  t.8, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.324, 340, 340.

(12) Về bức điện gửi ngài Stalin, Tạp chí  Lịch sử cận hiện đại (tiếng Nga) , số 3, 1998, tr.127.

(14)  Bức thư định mệnh giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng thống Mỹ , https://vov.vn/chinh-tri/3-buc-thu-dinh-menh-giua-chu-tich-ho-chi-minh-va-2-tong-thong-my-950015.vov.

(15), (18) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.5, 36-37.

(19) Hồ Chí Minh: Toàn tập,  t.15, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.542.

(21) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII,  Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2021, tr.162.

TS VŨ TRỌNG HÙNG

Viện Lịch sử Đảng,

                                                    Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh